Trước nay, cha mẹ, ông bà của chúng ta, thậm chí cả xã hội đều rất mong muốn biến con cái và chính bản thân thành những người “giỏi toàn diện”, đa tài, nào đàn nhạc, nào ca hát, nào Toán Lý, nào Văn Sử. Chúng ta luôn theo đuổi một hình mẫu hoàn hảo, nhất là đàn ông hoặc những người bắt đầu có học thức càng được kỳ vọng là cái gì cũng biết làm. Học công nghệ thông tin phải biết sửa điện thoại, điều hòa, học đại học phải văn thơ lai láng, đàn hát giỏi. Thực ra, nền văn hóa đa năng chỉ có ở Việt Nam và một số nước châu Á, bởi sang phương Tây, nếu bạn trình bày trong hồ sơ của mình quá nhiều kỹ năng, quá nhiều lĩnh vực làm việc không liên quan, đó là một điểm trừ. Người phương Tây không theo đuổi sự đa tài, thay vào đó là sự xuất sắc. Bởi những kinh nghiệm và những phát triển trong các nghiên cứu về xã hội mới đây cho thấy, biết nhiều, giỏi nhiều chưa chắc đã là tốt. Dưới đây là 3 lí do lí giải cho điều này:
1. Khi bạn giỏi mọi thứ, thực ra bạn lại chẳng thực sự giỏi một thứ gì
Theo những nguyên tắc đã được khoa học tri thức ghi nhận thì nếu bạn muốn giỏi và trở thành chuyên gia trong bất cứ một lĩnh vực gì, dù là chơi thể thao, lập trình, viết văn hay soạn nhạc, chơi cờ thì bạn cũng đều cần bỏ ra khoảng 10.000 giờ luyện tập có chủ đích. Tức là nếu một ngày bạn bỏ ra 10 tiếng chỉ để làm một việc duy nhất thì phải khoảng 3 năm bạn mới có thể trở thành một chuyên gia. Thậm chí nếu bạn không biết cách để luyện tập có chủ đích thì 3 năm bạn bỏ ra cũng chưa thấm vào đâu. Nghe thì không to lắm, nhưng để ngày nào cũng bỏ ra từng đó thời gian để “luyện công” cho duy nhất một lĩnh vực thì bạn thực sự cần có kỷ luật bản thân rất tốt. Nhưng biết làm sao được, nếu ghế của cha bạn không to, nhà bạn không giàu, thì đó dường như là con đường duy nhất dẫn đến thành công.
Vậy nên trên thế giới này gần như không có người có khả năng biết tuốt, nhất là trong một thế giới tiến bộ nhanh và bùng nổ thông tin như hiện nay. Mỗi người, trên cuộc đời này chỉ thực sự vĩ đại trong một lĩnh vực hay kỹ năng gì đó, và đó là thứ sẽ nuôi sống họ cả cuộc đời. Nếu bạn để Einstein đi sửa máy chắc hẳn ông không thể làm tốt hơn một thợ cơ khí. Hãy biết mình giỏi cái gì và phát triển kỹ năng thật xuất sắc chỉ cho lĩnh vực đó mà thôi. Con cá không thể chạy nhanh, cũng không thể leo cây, nhưng ở kỹ năng bơi thì không ai hơn được nó.
Trường học dạy chúng ta phải có điểm cao ở mọi môn, nhưng trường đời chỉ thực sự cần bạn là chuyên gia trong một lĩnh vực mà thôi. Bởi ở trường học, khi còn nhỏ, chúng ta còn chưa biết mình cần gì, giỏi cái gì, thích gì, do đó chúng ta cần cảm nhận hết các lĩnh vực để lựa chọn cái mà mình theo đuổi, còn trường đời, bạn cần phải sử dụng kỹ năng cụ thể để kiếm sống, vì vậy bạn cần giỏi xuất sắc một thứ. Như các cụ đã nói, một nghề cho chín còn hơn chín nghề. Đừng nhầm lẫn giữa trường học và trường đời.
2. Kỷ nguyên của máy móc sắp bắt đầu
Nếu các bạn chịu khó nghe báo đài, thời sự hẳn các bạn cũng đã biết chúng ta đang sống và tiến tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với sự áp đảo của máy móc trong nhiều lĩnh vực. Vai trò của con người và máy móc đang thay đổi. Sẽ có rất rất nhiều việc làm bị dự đoán sẽ biến mất và vai trò của con người sẽ có sự thay đổi cốt lõi.
Trong cuốn sách Average is Over (Tạm dịch: Sự chấm hết của trung bình), kinh tế gia Tyler Cowen cho rằng kỷ nguyên của sự “bình thường” sắp chấm dứt.
Chỉ vào chục năm nữa, khi robot bắt đầu thay thế các công việc đòi hỏi kỹ năng tầm thấp hoặc trung bình, chiến lược sống sót duy nhất của bạn là phải giỏi ở một thứ, chỉ cần một mà thôi. Nếu bạn dàn trải mọi thứ mà chẳng xuất sắc thứ gì, chắc chắn Robot còn làm tốt và nhanh hơn bạn, bởi nó không biết mệt và có bộ nhớ nhanh và nhiều không giới hạn. Vì vậy, những kỹ năng tầm trung có được bằng những kiến thức nửa vời bạn tra cứu được sẽ dễ dàng được máy tính và robot sao chép, bạn sẽ chẳng có lợi thế gì so với chúng. Tuy nhiên, những kỹ năng đòi hỏi chuyên sâu, sáng tạo thì robot sẽ không thể một sớm một chiều có thể làm được, vì vậy khi bạn đủ xuất sắc trong một lĩnh vực, bạn sẽ không lo lắng bị thay thế.
3. Giỏi nhiều thứ thì dễ, nhưng xuất chúng ở một ngành nghề mới thực sự khó
Khi bạn nghe thấy một đứa bạn, vừa đánh đàn giỏi, vừa học giỏi, vừa kinh doanh giỏi, vừa làm chồng giỏi, vừa làm bố giỏi…nói chung cái gì cũng giỏi, thì tốt nhất hãy xem gia thế của bạn ấy là ai trước. Bởi chỉ có gia thế tốt mới có thể giúp bạn ấy có thể sống tốt với những kỹ năng ở tầm trung. Bạn ấy sẽ không phải lo về việc phân tâm kiếm tiền, lo về việc kinh doanh bởi ở cấp dưới có hàng ngàn nhân viên và trợ lý lo thay bạn ấy, có hàng ngàn mối quan hệ lợi ích muốn lấy lòng cha bạn ấy và cũng chẳng phải lo gia đình bởi chỉ cần bạn ấy không tệ nạn, ngoại tình thì có đến 99.99% gia đình sẽ chẳng có vấn đề gì. Bởi mọi vấn đề mâu thuẫn phát sinh trong gia đình chủ yếu do thiếu kinh tế mà thôi. Bởi vậy bạn ấy sẽ có đủ quỹ thời gian làm được những thứ mà bạn ngưỡng mộ.
Nhưng đa phần, chúng ta không phải ai cũng có thể có được xuất phát điểm tại vạch đích. Do đó, hầu hết chúng ta vẫn cần phải làm mọi thứ từ đầu, và bắt đầu chúng ta sẽ thấy quỹ thời gian eo hẹp như thế nào. Bạn sẽ có thể dễ dàng đọc vài ba bài tổng luận của một vấn đề và chém gió như thánh về lĩnh vực đó. Tôi đã gặp những bạn mới đọc về công nghệ blockchain hay machine learning được vài ba ngày nhưng chém chẳng kém ai, nhưng để họ thực sự làm một cái gì đó sâu chẳng hạn như xây dựng một ứng dụng, tinh chỉnh tham số, chọn lựa thuật toán sử dụng thì thực sự họ đã bắt đầu cảm thấy khá khó khăn chứ chưa kể đến làm được thật sự nó trong thực tế như thế nào một cách hiệu quả. Giỏi nhiều thì dễ, nhưng để xuất chúng ở một lĩnh vực thì thực sự rất khó.
Vì sao?
Bởi bạn phải cực kỳ kiên nhẫn. Kiên nhẫn không phải dễ dàng. Nó đau đớn và cực kỳ nhọc nhằn. Thành công chưa bao giờ là dễ. Tập trung vào một điểm mạnh của mình và đưa nó lên “cấp” cao nhất chưa bao giờ là dễ dàng. Bạn sẽ gặp khó khăn, bạn sẽ nản và muốn nhảy vòng quanh để giỏi ở mọi thứ, nhưng đó là cái bẫy. Bởi làm một thứ quá lâu sẽ khiến bạn rất nhàm chán, rất đau khổ, rất nản, thậm chí chẳng còn chút động lực nào.
Ngay cả với người bạn đa tài của chúng ta, được thiên phú ở vạch đích cũng vậy. Họ có thể rất giỏi, rất đa tài, nhưng nếu để họ vươn lên đến đỉnh cao thì vẫn là cả một chặng đường khó nhọc. Và trên thực tế, bạn sẽ thấy rất ít người có thành tựu xuất sắc.
Chỉ những người thực sự vượt qua được cái rào cảm đau khổ ấy, sẵn sàng kiên nhẫn từng chút, từng chút một mới có khả năng đi đến cuối cùng.
Thời trai trẻ, đừng lãng phí. Mỗi người chỉ có một thời thanh xuân.
“Tạm được là chưa đủ.” Chắc chắc bạn sẽ có những vị sếp dễ tính, mà khi bạn nộp một sản phẩm chưa hoàn hảo nhất với sức lực của mình, họ đã khen “Em làm tốt rồi”. Cái lợi của việc này là bạn cảm thấy được trân trọng, nhưng thực ra ông sếp đang làm hại bạn. Tư duy hời hợt đang giết chết chúng ta, chúng ta đang làm ra những sản phẩm chấp nhận được để đối phó, nhưng chẳng thực sự giỏi, chẳng thực sự làm được gì. Sự tạm chấp nhận được ấy đang giết chết dần chết mòn chúng ta, mài mòn thời gian và ý chí của chúng ta để ngăn chúng ta vươn tới những đỉnh cao của sự xuất sắc.
Bạn đừng bị lừa bởi những cái bẫy “tạm chấp được”. Hãy tập trung vào chỉ một lĩnh vực, trở thành chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đó, ngành nghề gì cũng được, và bạn sẽ không phải hối hận. Đừng giết chết khả năng của mình ở cái mác đa tài, cái gì cũng làm được, cái gì cũng nhận, dự án nào cũng tham gia nhưng cuối cùng chẳng xuất chúng ở thứ gì. Hãy theo đuổi sự xuất chúng chứ không phải sự đa năng. Có thể bạn không biết nhiều thứ, bạn ngưỡng mộ những người đa năng, nhưng bạn sẽ chẳng thể trở thành một người xuất chúng nếu bạn không trả giá và bỏ qua những thứ có vẻ hấp dẫn ấy.