Trước khi nói đến điện toán đám mây, chúng ta nói đến một phát minh quan trọng bậc nhất của loài người đó là điện. Điện là một trong những phát minh quan trọng nhất của loài người. Giờ đây chúng ta hầu như ai cũng quen với điện và sống không thể thiếu điện. Nhưng ít ai biết rằng, điện thực ra đã ra đời cách đây hàng ngàn năm và trải qua cả một thời kỳ cũng dài như toàn bộ lịch sử phát triển của nó trong bóng tối. Hàng ngàn năm trước con người đã biết đến điện, nhưng tác dụng của nó, sự phát triển của nó chỉ mới được biết đến từ những năm 1882, khi Edison cho đóng máy tổ hợp phát điện công suất lớn đầu tiên cung cấp điện cho cả một thành phố, điều mà trước đây là không tưởng. Trước khi hệ thống này ra đời, những thiết bị chạy điện đều chỉ dùng những thỏi pin và phải thay thế liên tục như việc đổ nhiên liệu để đốt đèn. Sự bất tiện này làm giảm giá trị của điện đi khá nhiều. Sự đầu tư đắt đỏ của các hệ thống, sự hạn chế về công suất của các thiết bị làm cho ứng dụng của nó trở lên kém phổ biến và khó tiếp cận đối với đa số người dùng. Phát minh của Edision đã thắp sáng cũng như đem lại giá trị thực sự cho điện, mở ra một thời kỳ điện khí hóa trên toàn thế giới. Ý nghĩa của nó là biến sản xuất điện trở thành một dịch vụ, khiến cho những công ty sản xuất lúc này không cần phải đầu tư những hệ thống máy phát đắt đỏ, bảo trì và trả lương cho việc bảo trì các thiết bị phát điện nữa mà điện đã trở thành những dịch vụ được cung cấp bởi một công ty riêng biệt, do đó điều họ cần bây giờ chỉ đơn thuần là đóng máy và chạy.
Có lẽ nhiều bạn đang tự hỏi: “Ồ, tác giả có vẻ đang nhầm chủ đề thì phải nhỉ, đây là series về điện toán đám mây cơ mà, đâu liên quan gì đến điện đâu?”. Ấy thế mà lại có sự liên quan đấy ! Chính cái tư tưởng “biến điện trở thành dịch vụ” có thể cung cấp tập trung đó đã lan tỏa sang lĩnh vực khoa học máy tính và công nghệ thông tin. Nếu “điện có thể trở thành một dịch vụ” vậy tại sao máy tính và các tài nguyên tính toán, phần mềm,… không thể trở thành các dịch vụ được cung cấp tập trung? Câu hỏi này đã là động lực để biến các hệ thống máy chủ to lớn thành các dịch vụ tiện ích mà mọi người đều có thể tiếp cận một cách cực kỳ dễ dàng, thậm chí không cần phải được đào tạo hay làm bất cứ điều gì khác ngoài sử dụng. Công nghệ này được gọi dưới một cái tên Điện toán đám mây (Cloud Computing).
Điện toán đám mây ra đời đã tạo ra một cuộc cách mạng không chỉ về tính toán, kinh doanh công nghệ thông tin mà còn tạo ra cuộc cách mạng về dữ liệu lớn. Chính những điều này là trụ cột cho việc nảy sinh các khái niệm mới cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sau này. Nó đưa công nghệ thông tin lên một tầm cao mới, đi vào mọi ngóc ngách của đời sống. Vậy điện toán đám mây là gì? Kiến trúc của nó ra sao? Triển khai nó thế nào? Nó có thể đem lại lợi ích gì?…Tất cả những câu hỏi đó sẽ được giải đáp trong series bài viết “Điện toán đám mây” này. Các bài viết trong series này bao gồm:
- Bài 1. Điện toán đám mây là gì?
- Bài 2. Cơ sở hạ tầng đám mây
- Bài 3. Công nghệ ảo hóa và các nền tảng công nghệ khác trong cloud computing
- Bài 4. IaaS, PaaS, SaaS và các mô hình dịch vụ trong điện toán đám mây
- Bài 5. Mô hình triển khai đám mây
- Bài 6. Các công cụ mô phỏng đám mây
- Bài 7. Một số nền tảng điện toán đám mây trên thực tế
- Bài 9. Lưu trữ dữ liệu trong cloud computing
- Một số vấn đề an toàn và bảo mật trong điện toán đám mây
- Một số phương pháp bảo đảm an toàn cho dịch vụ đám mây
- Thiết kế kiến trúc đám mây an toàn
- An toàn dịch vụ ứng dụng SaaS
- An toàn dịch vụ nền tảng hệ thống PaaS
- An toàn dịch vụ cơ sở hạ tầng IaaS
- An toàn bảo mật dữ liệu trong đám mây
- Sử dụng một số dịch vụ phần mềm SaaS trên đám mây
- Sử dụng một số dịch vụ nền tảng PaaS trên đám mây
- Sử dụng một số dịch vụ hạ tầng IaaS trên đám mây
- Các hệ thống, dịch vụ giám sát đám mây
- Giám sát dịch vụ đám mây
- Đảm bảo chất lượng dịch vụ đám mây
- Kiểm soát lỗi dịch vụ và độ tin cậy của đám mây
- Khả năng tương tác của các đám mây và dịch vụ đám mây
- Một số tiêu chuẩn của cloud computing
- Các ứng dụng hỗ trợ cho điện toán đám mây
Hi vọng tài liệu này sẽ cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn hệ thống, cơ sở ban đầu về điện toán đám mây để bạn đọc có thể sử dụng nó với mục tiêu công việc cụ thể của mình. Bài viết chắc chắn còn rất nhiều khiếm khuyết về nội dung cũng như phương pháp thể hiện, chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc để có thể hoàn chỉnh tiếp trong thời gian tới.