Con người giường như rất “yếu ớt”, chúng ta thấy có rất nhiều các loại bệnh tật có thể ảnh hưởng đến cơ thể con người, từ say xe, cảm lạnh đến ung thư. Vậy, các bệnh tật của chúng ta do đâu mà đến?
Thời xa xưa chúng ta vẫn nghĩ rằng bệnh tật và đau ốm là dấu hiệu của sự tức giận của Chúa hoặc do tác động quỷ ám của các linh hồn xấu xa. Khi khoa học phát triển hơn, những bác sĩ nổi tiếng trong lịch sử nhân loại như Hippocrates và Galen đã đưa ra khái niệm mới, tuy rằng hơi hài hước, đó là một lý thuyết cho rằng chúng ta bị bệnh do mất cân bằng bốn chất cơ bản trong cơ thể người, đó là máu, đờm, mật đen và mật vàng. Chắc hẳn bạn rất quen thuộc với Hippocrates, bởi các bác sĩ ngày nay đa phần đều phải thực hiện một lời thề mang tên ông trước khi được hành nghề. Paracelsus, một bác sĩ thời Phục hưng, là một trong những người đầu tiên cho rằng bệnh tật đến từ các yếu tố bên ngoài, chứ không phải từ bên trong.
Ngày nay, chúng ta biết rằng có hai loại bệnh chính: các loại bệnh truyền nhiễm và các loại bệnh không truyền nhiễm. Các bệnh truyền nhiễm được gây ra bởi các mầm bệnh bên ngoài như vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng. Những mầm bệnh này có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua không khí chúng ta hít thở, thức ăn và đồ uống chúng ta tiêu thụ hoặc thông qua các vét thương hở trên da chẳng hạn khi chúng ta đứt tay. Các bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan. Ví dụ, nếu một người bị cảm lạnh. Người đó có thể ho và dùng tay để che miệng khi ho. Khi đó vi khuẩn sẽ bám vào tay và sau đó chạm vào tay nắm cửa, do đó làm lây truyền virut cảm lạnh lên tay nắm cửa đó. Virus có thể chết trên tay nắm cửa sau một thời gian, nhưng cũng có khả năng người tiếp theo chạm vào tay nắm cửa và sẽ bị lây nhiễm nó vào cơ thể khi chạm tay vào thức ăn khi chưa rửa.
Không phải mọi mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể đều dẫn đến bệnh tật – cơ thể chúng ta được trang bị hệ thống miễn dịch để chống lại các tác nhân bên ngoài. Tuy nhiên, mầm bệnh có khả năng thích nghi và tiến hóa nhanh hơn nhiều so với hệ thống miễn dịch, điều đó có nghĩa là mầm bệnh đôi khi chiếm thế thượng phong khi đánh lừa các cơ chế phòng vệ của cơ thể. Một trong những cách để mầm bệnh trốn tránh hệ thống miễn dịch trong cơ thể của chúng ta là ẩn náu trong các tế bào khỏe mạnh của cơ thể. Ngoài ra, một số người trong chúng ta có hệ thống miễn dịch yếu, hoặc sức khỏe kém do thiếu luyện tập hay do di truyền sẽ khó chống lại các tác động của mầm bệnh xâm nhập và do đó dễ có khả năng bị bệnh hơn bình thường.
Loại bệnh thứ hai là các loại bệnh không truyền nhiễm. Các loại bệnh này không gây ra bởi mầm bệnh và không thể lây từ người này sang người khác. Những bệnh này có nhiều khả năng được gây ra bởi sự kết hợp của các yếu tố môi trường (như lối sống, sinh hoạt, ăn uống…) với yếu tố di truyền của con người. Chẳng hạn như, ung thư da thường là hậu quả khi chúng ta dành quá nhiều thời gian phơi nắng dưới ánh mặt trời mà không sử dụng các biện pháp bảo vệ khỏi tia UV, được coi là một yếu tố môi trường. Một tình trạng như bệnh tim có thể bị gây ra bởi một lối sống ít vận động và chế độ ăn uống kém, hoặc nó có thể do lịch sử bệnh lý của gia đình.
Mặc dù chúng ta có thể không thể thay đổi mã di truyền, nhưng có rất nhiều điều mà con người có thể làm để ngăn ngừa các bệnh không truyền nhiễm. Đáng chú ý nhất, chúng ta có thể chọn chế độ ăn uống lành mạnh và chăm chỉ tập thể dục. Chúng ta cũng có thể giảm tiếp xúc với các yếu tố rủi ro có thể tránh được như khói thuốc lá, hay rượu bia, hoặc các chất kích thích khác.
XEM THÊM: Vì sao thân cây hình trụ?